Đối ngoại Barack_Obama

Obama nói về một sự khởi đầu mới tại Đại học Cairo, Ai Cập, 4 tháng 4 năm 2009

Trong tháng 2 và tháng 3, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton thực hiện những chuyến công du riêng lẻ nhằm công bố một "kỷ nguyên mới" trong tiểu bang giao giữa Hoa Kỳ với Nga và Âu châu, những từ "đột phá" và "điều chỉnh" được sử dụng để báo trước những thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao. Obama tỏ ý muốn tiếp cận với giới lãnh đạo Ả-rập khi dành cho kênh truyền hình Ả-rập, Al Arabiya, cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông.[171]

Ngày 19 tháng 3, Obama tiếp tục nỗ lực tiếp cận với thế giới Hồi giáo bằng cách gởi thông điệp năm mới qua một video đến nhân dân và chính quyền Iran,[172] nhưng bị giới lãnh đạo Iran cự tuyệt.[173] Đến tháng 4, bài diễn văn của Obama đọc tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ được chính phủ các nước Ả-rập tiếp nhận cách thuận lợi.[174] Ngày 4 tháng 6 năm 2009, trong diễn từ đọc tại Đại học Cairo, Ai Cập, Obama kêu gọi cho "một sự khởi đầu mới" trong mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo với Hoa Kỳ, ông cũng lên tiếng thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Obama gặp Thủ tướng Anh David Cameron trong Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Toronto, năm 2010.

Ngày 26 tháng 6 năm 2009, phản ứng trước hành động của chính phủ Iran chống lại những người biểu tình sau cuộc bầu cử tổng thống 2009 ở Iran, Obama nói: "Sử dụng bạo lực chống lại họ là vô nhân đạo. Chúng tôi theo dõi và lên án chúng."[175]

Ngày 24 tháng 9 năm 2009, Obama trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên chủ tọa một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.[176]

Tháng 3, 2010, Obama công khai chống lại kế hoạch của Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tiếp tục đề án xây dựng nhà ở cho người Do Thái trong những khu dân cư có nhiều người Ả-rập ở khu Đông Jerusalem.[177][178]

Cũng trong tháng này, một thỏa thuận đạt được với chính phủ Dmitry Medvedev của Nga thay thế Thỏa ước Cắt giảm Vũ trang Chiến lược 1991 bằng một hiệp ước mới cắt giảm một phần ba số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa trong kho vũ khí của cả hai bên.[179] Hiệp ước New START này được Obama và Medvedev ký kết trong tháng 4 năm 2010, và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn vào tháng 12 năm 2010.[180] Tuy vậy mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã trở nên xấu đi trong những năm tiếp theo sau những sự kiện như cuộc khủng hoảng ở Ukraine năm 2014 dẫn tới việc Nga sáp nhập Crimea cùng với sự can thiệp quân sự của Nga trong cuộc Nội chiến Syria, và từ cuối năm 2016 với những nghi ngờ về một sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tháng 12 năm 2014, Obama tuyên bố ý định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba.[181] Ngày 20 tháng 7 năm 2015, các cơ quan đại diện quyền lợi tại thủ đô của Mỹ và Cuba được nâng cấp thành đại sứ quán. Tháng 5 năm 2016, trong chuyến công du đến Việt Nam, Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.[182]

Chiến tranh Iraq

Ngày 27 tháng 2 năm 2009, khi nói chuyện với binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ sắp được gửi đến Afghanistan, Obama tuyên bố rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ chấm dứt các cuộc hành quân chiến đấu tại Iraq trong vòng 18 tháng, "Cho phép tôi trình bày điều này cách rõ ràng nhất: đến 31 tháng 8 năm 2010, nhiệm vụ chiến đấu của chúng ta tại Iraq sẽ chấm dứt."[183] Cuộc triệt thoái sẽ được hoàn tất trong tháng 8 năm 2010, để lại một lực lượng chuyển tiếp từ 35 000 đến 50 000 binh sĩ cho đến cuối năm 2011.

Ngày 19 tháng 8 năm 2010, lữ đoàn chiến đấu cuối cùng rời khỏi Iraq. Lực lượng chuyển tiếp đảm trách công tác chống khủng bố, huấn luyện, trang bị, và cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq.[184][185]

Ngày 31 tháng 8 năm 2010, Obama tuyên bố nhiệm vụ chiến đấu của Hoa Kỳ tại Iraq đã chấm dứt.[186]

Ngày 21 tháng 10 năm 2011, Tổng thống Obama tuyên bố toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ rời khỏi Iraq để kịp đoàn tụ với gia đình trong những ngày lễ.[187]

Tháng 6 năm 2014, sau khi Mosul thất thủ về tay ISIL, Obama gởi 275 lính đến Iraq bảo vệ người Mỹ có mặt ở đất nước này cùng đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bagdad. ISIL tiếp tục đà chiến thắng, thực hiện những vụ diệt chủng và tàn sát tập thể.[188][189]

Tháng 8 năm 2014 khi đang xảy ra vụ thảm sát Sinjar, ISIL tàn sát khoảng từ 2 000 đến 5 000 người thiểu số sắc tộc Yazidi, Obama ra lệnh mở chiến dịch không kích chống ISIL.[190]

Đến cuối năm 2014, còn 3 100 binh sĩ Mỹ tại Iraq [191] và 16 000 lần xuất kích do máy bay của Không lực và Hải quân Hoa Kỳ thực hiện.[192]

Mùa xuân năm 2015, với sự tham gia của “Lữ đoàn Panther” thuộc Sư đoàn Không kỵ 82 số lượng binh sĩ Mỹ ở Iraq lên tới 4 400,[193] đến tháng 7, các cuộc xuất kích do không quân Mỹ dẫn đầu lên đến 44 000 vụ.[194]

Chiến tranh Afghanistan

Từ lúc mới nhậm chức, Obama chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự tại Afghanistan,[195] ông tuyên bố gia tăng số binh sĩ Mỹ lên đến 17 000 người nhằm "đảo ngược tình hình đang sa sút tại Afghanistan", vùng đất theo ông đã không nhận đủ "sự quan tâm chiến lược và nguồn lực cần thiết".[196]

Tháng 5, 2009, Tổng thống thay thế tư lệnh quân đội tại đây, Tướng David D. McKiernan, bằng cựu tư lệnh Lực lượng Đặc biệt, Tướng Stanley A. McChrystal, ngụ ý rằng những kinh nghiệm của McChrystal trong Lực lượng Đặc biệt sẽ giúp áp dụng hiệu quả chiến thuật chống nổi dậy trong chiến tranh. Ngày 1 tháng 12 năm 2009, Obama tuyên bố bổ sung 30 000 quân đến Afghanistan.[197] Ông cũng đề xuất kế hoạch rút quân trong vòng 18 tháng kể từ ngày này.[198]

Sau khi bộ chỉ huy của McChrystal chỉ trích nhân viên Tòa Bạch Ốc, tháng 6 năm 2010, David Petraeus được bổ nhiệm thay thế McChrystal.[199]

Tháng 2 năm 2013, Obama hứa rút quân ở Afghanistan từ 68 000 xuống còn 34 000 vào tháng 2 năm 2014.[200]

Tháng 9 năm 2015, chiến sự trở nên căng thẳng, Tòa Bạch Ốc công bố kế hoạch duy trì quân đội ở Afghanistan.[201]

Israel

Obama gặp Tổng thống Israel Shimon Peres, 2009.

Obama miêu tả mối dây ràng buộc giữa Hoa Kỳ với Israel là "không thể phá vỡ được".[202] Ngay từ đầu, chính phủ Obama đẩy mạnh hợp tác quân sự với Israel bằng cách tăng viện trợ quân sự, lập lại Nhóm Chính trị Quân sự Hoa Kỳ-Israel, và Nhóm Tư vấn Chính sách Quốc phòng, gia tăng các chuyến viếng thăm quân sự cao cấp giữa hai nước.[203] Chính phủ Obama yêu cầu Quốc hội phân bổ tiền cho chương trình Iron Dome nhằm đáp trả đợt sóng tấn công bằng hỏa tiễn của Paestine nhắm vào Israel.[204]

Trong năm 2011, Hoa Kỳ phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án các khu định cư của Israrel. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất chống lại nghị quyết này.[205] Obama ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong cuộc tranh chấp Ả-rậpIsrael dựa trên hiện trạng năm 1967.[206]

Năm 2014, Obama ví sánh phong trào Zion với Phong trào Dân quyền Mỹ, nói rằng cả hai phong trào này đều đấu tranh để giành công lý và quyền bình đẳng cho người dân bị bách hại, “Đối với tôi, ủng hộ Isarel và dân tộc Do Thái là một phần của các giá trị tôi vẫn đấu tranh cho kể từ lúc tôi quan tâm đến và tham gia vào chính trị.”[207]

Libya

Tháng 3, 2011, khi lực lượng trung thành với Muammar Gaddafi áp đảo những nhóm nổi dậy trên khắp lãnh thổ Libya, Âu châuLiên đoàn Ả-rập lên tiếng kêu gọi thành lập một khu vực cấm bay, và Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua một nghị quyết.[208]

Phản ứng trước Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Gaddafi – trước đó thề rằng sẽ "không dung tha" đối với phe nổi dậy ở Benghazi[209] – tuyên bố ngưng lập tức mọi hoạt động quân sự.[210] Tuy nhiên, có những báo cáo về việc binh sĩ của Gaddafi tiếp tục nã pháo vào Misrata. Hôm sau, theo chỉ thị của Obama, quân lực Hoa Kỳ dẫn đầu các cuộc không kích, sử dụng hỏa tiễn Tomahawk, oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, và các chiến đấu cơ[211][212][213] hủy diệt khả năng phòng vệ của chính phủ Libya với lý do bảo vệ tính mạng thường dân và cưỡng chế thi hành lệnh cấm bay.[214]

Obama và các viên chức cao cấp Hoa Kỳ đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Neptune Spear dẫn đến việc sát hại Osama bin Laden ngày 2 tháng 5 năm 2011.

Sáu ngày sau, 25 tháng 3, với sự đồng thuận của 23 thành viên, NATO lãnh đạo chiến dịch Operation Unified Protector. Sự hỗ trợ của NATO là nhân tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Gaddafi ngày 23 tháng 10 năm 2011.[215]

Nội chiến tại Syria

Ngày 18 tháng 10 năm 2011, trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến, Obama dõng dạc tuyên bố “Assad phải ra đi”, vì chính nghĩa của người dân Syria.[216] Tới ngày 19 tháng 11 năm 2015 Obama tái khẳng định lập trường của mình.[217] Cuối cùng Obama cũng cho lập chương trình huấn luyện phiến quân chống Assad,[218] song do thu được kết quả rất hạn chế nên năm 2015 phải bị bãi bỏ.[219][220]

Sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trong năm 2013 được cho là do chế độ Assad thực hiện, Obama nhấn mạnh rằng Assad phải từ bỏ vũ khí hóa học, cuối cùng cũng có một thỏa hiệp theo đó Assad từ bỏ nhiều vũ khí hóa học nhưng những vụ tấn công bằng khí gas chlorine vẫn tiếp diễn.[221][222] Năm 2014, một mặt Obama cho mở những cuộc không kích nhắm vào lực lượng ISIL, mặt khác luôn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không gởi quân đến chiến đấu ở Syria.[223][224]

Osama bin Laden

Khởi đầu với những thông tin tiếp nhận trong tháng 7 năm 2010, mạng lưới tình báo của CIA trong những tháng kế tiếp xác định rằng Osama bin Laden đang trú ẩn trong một tòa nhà kín đáo ở Abbottabad, một vùng ngoại ô cách Islamabad, thủ đô Pakistan, 35 dặm.[225] Tháng 3, 2011, Giám đốc CIA Leon Panetta tường trình những thông tin tình báo cho Tổng thống Obama.[225] Trong sáu tuần kế tiếp, khi họp bàn với các cố vấn an ninh, Obama bác bỏ kế hoạch ném bom, nhưng cho phép toán đặc nhiệm SEAL của Hải quân Hoa Kỳ đột kích vào tòa nhà.[225]

Kết quả thu được từ cuộc đột kích, tiến hành ngày 1 tháng 5 năm 2011, là cái chết của bin Laden, nhiều giấy tờ bị thu giữ, cùng những đĩa vi tính.[226][227] Thi thể của bin Laden được nhận dạng nhờ xét nghiệm DNA,[228] rồi được thủy táng chỉ vài giờ sau đó.[229]

Vào chiều tối ngày 1 tháng 5 tại Washington, D.C., ngay sau khi Tổng thống thông báo, nhiều cuộc ăn mừng tự phát diễn ra trên khắp đất nước, và những đám đông hoan hỉ tụ họp bên ngoài Tòa Bạch Ốc, tại khu bình địa và Quảng trường TimesNew York.[226][230] Trong số những phản ứng tích cực đến từ hai chính đảng và từ nhiều quốc gia trên thế giới có lời chúc tụng của các cựu tổng thống Bill Clinton và George W. Bush.[231][232]

Iran

Năm 2013, chính quyền Obama mở những cuộc thương thuyết với Iran nhằm ngăn cản quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân. Những cuộc thương thuyết kéo dài hai năm với nhiều lần đứt quãng, cuối cùng hai bên thông báo một thỏa thuận vào ngày 14 tháng 7 năm 2015. Iran cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận. Trong khi Obama ca ngợi thỏa ước như là một bước tiến tới một thế giới có nhiều hi vọng hơn, Đảng Cộng hòa và giới bảo thủ, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đưa ra nhiều lời chỉ trích mạnh mẽ.[233][234][235]

Cuba

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Cu-ba Raúl Castro Panama, tháng 4 năm 2015

Đã có những cuộc gặp gỡ bí mật giữa Hoa Kỳ và Cuba tại các địa điểm trung lập như CanadaVatican từ mùa xuân năm 2013.[236] Giáo hoàng Francis khuyên Hoa Kỳ và Cuba nên trao đổi tù nhân như là một cử chỉ thiện chí.[237] Ngày 10 tháng 12 năm 2013, Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong một động thái công khai đầy ý nghĩa, chào mừng và bắt tay Obama trong lễ tưởng niệm Nelson MandelaJohannesburg.[238]

Tháng 12 năm 2014, Obama, qua sự trung gian của Giáo hoàng Francis, mở những cuộc thương thuyết nhằm phục hồi bang giao với Cuba sau 54 năm thù địch.[239] Tờ New Republic gọi sự kiện này là “thành quả ngoại giao tốt nhất của Obama.” [240] Ngày 1 tháng 7 năm 2015, Obama tuyên bố bang giao chính thức giữa hai quốc gia được phục hồi, rồi hai đại sứ quán được mở tại Washington và Havana.[241]

Obama mở một cuộc viếng thăm kéo dài hai ngày đến Havana trong tháng 3 năm 2016, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm đất nước này kể từ chuyến công du của Tổng thống Calvin Coolidge thực hiện trong năm 1928.[242]

Châu Phi

Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên nói chuyện trước Liên minh châu PhiAddis Ababa, Ethiopia ngày 29 tháng 7 năm 2015, Obama kêu gọi thế giới gia tăng mối ràng buộc kinh tế qua đầu tư và thương mại với lục địa này, và ca ngợi những tiến bộ trong giáo dục, cơ sở hạ tầng, và kinh tế. Ông cũng phê phán việc thiếu dân chủ, chỉ trích những nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, cùng sự kỳ thị đối với các cộng đồng thiểu số (LGBT, các nhóm tôn giáo và sắc tộc) cũng như tình trạng tham nhũng trên lục địa này. Ông đề nghị đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa và thương mại tự do, đồng thời cải thiện chất lượng sống cho người dân ở Phi châu.[243][244] Obama cũng đến thăm Kenya, quê hương của thân phụ ông.[245]

Tưởng niệm các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

Vào ngày 27 tháng 5 năm 2016, 2 tháng trước lễ kỷ niệm 71 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II, Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima. Cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzō Abe, Obama đã bày tỏ lòng tôn kính đối với các nạn nhân của vụ đánh bom tại Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.[246]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Barack_Obama http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,25197... //nla.gov.au/anbd.aut-an44067442 http://www.chinadaily.com.cn/world/2009-01/23/cont... http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2014/09/o... http://allafrica.com/stories/200609020064.html http://www.baltimoresun.com/news/bal-te.obama02mar... http://barackobama.com http://www.baywindows.com/index.php?ch=news&sc=glb... http://www.bbc.com/news/world-middle-east-30388718 http://www.bbc.com/news/world-us-canada-34536833